Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam... Nghĩ thôi thì thấy xa, xa lắm nhưng về Cà Mau rồi mới thấy Cà Mau thật gần, gần ngay trong trái tim mình!
Tạm biệt Cần Thơ, Sóc Trăng, qua Bạc Liêu, xe chúng tôi hướng về đất Mũi. Xúc động vô cùng khi được đi trên đoạn đường cuối cùng của đường Hồ Chí Minh, con đường dài theo đất nước từ Mục Nam Quan và giờ đã chạm đến Đất Mũi Cà Mau.
Đường vào Đất Mũi, mênh mông xanh! Dằng dặc hai bên đường là chàm là đước là những cây mắm thủy chung kiên cường rễ bám chặt để giữ đất quê hương. Vừa trầm trồ vừa háo hức, không phải là đi mà là tâm trạng của người đang về, về với mũi đất thiêng liêng của Tổ quốc...
Chúng tôi đến Đất Mũi khi trời vừa tối. Cột mốc đã sáng đèn. Chân đã đặt lên mũi đất cuối cùng của đất nước, lặng ngắm lá cờ đỏ sao vàng bay trong lồng lộng gió, ngắm cột mốc mang hình con thuyền mũi hướng về biển khơi, nghe tiếng sóng ầm ào mà lòng dạt dào cảm xúc khó tả...
Khách trên mấy chiếc xe du lịch mang biển số Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi chụp hình lưu niệm bên cột mốc mang hình con thuyền, thì vội vàng quay ra cho kịp lịch trình tiếp theo của họ, còn lại chúng tôi. Chúng tôi vẫn hăm hở bước lên con đê dài để thỏa sức mà hứng gió biển khơi, để nhìn ra ba hướng biển mà tha hồ tưởng tượng ...
Trời đã tối hẳn. Nhìn quanh, không khách sạn, không nhà nghỉ. Mà đường từ Xóm Đất Mũi ra Thị xã Năm Căn 80 km, không đèn đường, chỉ mênh mông tràm đước. Chúng tôi lại vừa qua một chặng đường dài từ Cần Thơ vào Mũi Cà Mau. Quyết định ở lại Đất Mũi dù có phải ngủ ở trên bên xe!
Có cầu ắt có cung. Thật may mắn, một anh bảo vệ ghé hỏi chúng tôi có nghỉ lại không. Anh giơ tay chỉ vào hun hút rừng đước không một ánh đèn và bảo " Một số người dân ấp Cồn Mũi đang thử nghiệm mô hình homestay, du lịch cộng đồng, đi xuồng máy khoảng 10 phút sẽ có chỗ để nghỉ ngơi, anh chị ghé thử. Cứ để xe ở đây, người Đất Mũi thiệt tình lắm". Quay ra, biển Đất mũi mênh mang..., Quay vào, rừng đã ngập trong bóng tối.. Một chút e ngại nhưng lòng tin và máu khám phá đã khiến chúng tôi đồng ý. Chiếc xuồng máy ( dân Đất Mũi gọi là chiếc "vỏ lãi") áp sát bờ, chúng tôi lên xuồng. Theo ánh sáng của chiếc đèn soi gắn trên trán người lái, tôi thấy xuồng xé sóng chạy vào con rạch, hai bên, đước cao ngất. Rẽ ngang, rẽ dọc khoảng năm phút bắt đầu xuất hiện ánh đèn điện trước ngôi nhà đầu tiên của ấp Cồn Mũi trong rừng. Đèn điện đã quá quen với phố thị nhưng ánh điện lung linh nơi Đất Mũi Cà Mau, giữa rừng đước mênh mông lai gợi cảm giác rất phiêu, rất tuyệt vời...
Xuồng quay mũi hướng vào chiếc cầu bước lên nhà. Waao ! ... thật bất ngờ và thú vị, trong ánh sáng của ngọn đèn điện chúng tôi thấy tấm biển hiệu khá lớn DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG ĐẤT MŨI – HẢI NAM (điện thoại: 0937775599), Tên chủ ngôi nhà là anh Đua. Nhà sàn làm từ cây đước, tôn và lá dừa, dựng ngay trên vuông tôm, nước và đước bao quanh, gió thổi vào mát rượi... Chị chủ nhà và cô con gái cũng niềm nở đón chúng tôi. Họ nói có đoàn của các diễn viên cũng vừa vào nghỉ. Tuyệt quá!
Chủ nhà hướng dẫn cho khách chỗ tắm giặt, phòng nghỉ ngơi và đặt bữa tối: Cua gạch Cà Mau, tôm tích, cá thòi lòi, hào... toàn sản vật tươi ngon khai thác tự nhiên tại Cà Mau.
Đêm nghỉ lại đất Mũi chúng tôi có buổi giao lưu với đoàn của diễn viên. Họ đi làm từ thiện và nghỉ lại đất Mũi. Chúng tôi đã hát cùng nhau, hát Dân ca, nhạc trẻ, vọng cổ... Giữa mênh mang tràm đước, lời bài hát Đất phương Nam khiến lòng tôi xốn xang.... " Từng trang đước đong đưa, nghe người xưa còn ở nơi này ... cho ta thêm yêu dấu chân người xưa đi mở đất..." và người giữ đất giờ là những người dân xóm Cồn Mũi, xóm cuối cùng của tổ quốc Việt Nam. Đó cũng là anh Đua, chủ nhà chúng tôi đang ở. Đến ấp Cồn Mũi cách đây hơn hai mươi năm, vốc nắm bùn đầu tiên để dựng lều bám đất. Anh kể hồi ấy ăn cơm phải giăng mùng vì nếu không sẽ ăn cả... muỗi. Giờ thì khác rồi, những vuông tôm nuôi tự nhiên quanh nhà đã không còn nhiều chỗ cho muỗi kêu...mà nhớ rừng cà mau nữa...
Một đêm thật tuyệt giữa rừng Cà mau, cách mũi đất cuối cùng của đất nước khoảng 500 m theo đường chim bay.
Sáng chưa đến 5h chúng tôi đã lục tục dậy chuẩn bị để chủ nhà chở ra bãi bồi ngắm mặt trời lên. Qua khu bảo tồn rừng phòng hộ, mở ra trước mắt là bãi bồi mênh mông, đất nước mình đang vươn thêm ra biển. "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm". Mỗi năm lấn thêm ra biển 70 đến 80 m.... Chúng tôi thích thú lội chân trần xuống bãi bồI Cà Mau, háo hức tìm bắt còng, bắt sò, bắt cá thòi lòi... Các diễn viên hồn nhiên lia ống kính theo mấy con còng nhỏ. Còn tôi, tôi cúi xuống vuốt ve một cây mắm nhỏ. "Mắm đi trước, đước đi sau " và người Cà Mau lại neo cùng mắm, cùng đước để mà giữ đất. Mỗi tấc đất của quê hương quý giá vô cùng!
Rời bãi bồi, chúng tôi ghé thăm vuông nuôi hào tự nhiên, thăm lăng Ông Nam Hải ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi - Ngọc Hiển. (cách biển khoảng 10m). Chưa có đường lên, chúng tôi đu cây, kéo nhau để lên bờ, vào lăng. Gọi là lăng nhưng chỉ là một gian thưng tôn và lợp lá dừa. Còn sơ sài lắm. Trong lăng thờ bộ xương cá Ông Voi. Xác cá hơn 5 tấn dạt vào Đất Mũi cách đây 10 năm. Thắp nén nhang, thì thầm cầu cho người dân Đất Mũi vững vàng trước đầu sóng ngọn gió để giữ đất quê hương.
Đến Cà Mau nếu chỉ nhìn cột mốc rồi quay ra thì thật là đáng tiếc. Nếu có thể hãy nán lại Cà Mau một chút, cùng trải nghiệm nơi đất Mũi mới hiểu hơn về đất và người nơi đây.
Nơi xa nhất giờ lại là nơi gần nhất. Tạm biệt Ngọc Hiển, tạm biệt Cà Mau, vừa bắt tay tạm biệt đã thấy lòng luyến nhớ. Hẹn trở lại Cà Mau vào một ngày không xa.
Miss. HaNa